Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Núi lửa 60.000 năm bất ngờ lộ diện sau mưa lớn

TTO - Một ngọn núi lửa 60.000 năm tuổi đã bất ngờ xuất hiện sau nhiều năm "ẩn mình" dưới lòng đất. Sự kiện này đang đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu núi lửa.

Núi lửa 60.000 năm bất ngờ lộ diện sau mưa lớn - Ảnh 1.
Núi lửa được tìm thấy dưới cái hố khổng lồ - Ảnh: AP
Ngọn núi lửa được phát hiện dưới lòng đất ở một trang trại chăn nuôi bò sữa trên Đảo Bắc - một trong hai đảo chính của New Zealand.
Núi lửa ''lộ diện'' bắt nguồn từ hiện tượng đất rạn nứt và tạo thành hố sâu tới 20m trên chiều dài tới 200m xảy ra sau trận mưa lớn gần đây tại thị trấn Rotorua. 
Theo các chuyên gia, trận mưa này đã cuốn trôi các lớp đá vôi bên trên. Căn cứ lớp trầm tích dưới đáy "hố đất" này, các nhà khoa học xác định đây từng là một miệng một ngọn núi lửa 60.000 năm tuổi.
Chủ nông trại Colin Tremain cho biết trang trại của ông cũng thường xuyên xuất hiện các hố đất sụt. Tuy nhiên, đây là hố đất lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay.

Nữ sinh dự lễ tốt nghiệp bằng...robot

TTO - Đám đông tại buổi lễ tốt nghiệp năm 2018 của Trường trung học LeFlore ở Mobile, Alabama, Mỹ một phen bất ngờ khi thấy một robot lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp.

0:00
Robot thay mặt Cynthia Pettway nhận bằng tốt nghiệp - Video: YOUTUBE
Bị bệnh phải nằm viện, Cynthia Pettway, một học sinh lớp 12 ở Alabama, không thể đến dự lễ tốt nghiệp trung học của mình. Tuy nhiên, cô vẫn có thể "diễu hành" trên sân khấu buổi lễ và nhận bằng tốt nghiệp nhờ sự giúp đỡ từ một chú robot và chiếc iPad.
Các trường công lập quận Mobile (MCPSS) đã chia sẻ trên mạng buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt này, và đoạn video đó đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt với hơn 1.600 lượt chia sẻ.
Thông qua sự hợp tác giữa MCPSS với bệnh viện nhi đồng và phụ nữ Hoa Kỳ, Cynthia đã sử dụng một chú robot mặc áo choàng diễu hành qua sân khấu. ''Mặt'' robot là chiếc iPad với hình ảnh Pettway livestream từ bệnh viện.
Pettway cho biết cô quyết tâm tham gia lễ tốt nghiệp của mình bằng mọi cách có thể.
"Lúc mới nhận được tin rằng tôi sẽ không thể rời bệnh viện để tham dự lễ tốt nghiệp, tôi rất buồn. Tôi không muốn bỏ lỡ sự kiện chỉ có một lần trong đời này. Tôi đã học tập rất chăm chỉ trong các lớp học ban đêm chỉ để được tốt nghiệp", Pettway nói với DailyMail.
"Khi lần đầu tiên nghe về chú robot này, tôi không muốn làm như thế. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng và tôi đã rất khó chịu về việc không được có mặt tại buổi lễ. Tuy nhiên, tôi là đứa cháu đầu tiên của bà tôi và tôi muốn diễu hành trên sân khấu cho bà xem, vì vậy tôi đã đồng ý", cô nói.
Cô cho biết mọi chuyện diễn ra tốt hơn mình dự đoán. "Phần tuyệt vời nhất là khi mọi người gọi tên tôi và tôi ‘lăn ra’ sân khấu. Tôi có thể nghe tất cả tiếng la hét tại buổi lễ và tất cả sự cổ vũ trong bệnh viện. Tôi đã quá phấn khích và sau đó cảm thấy rất xúc động. Tôi đã khóc rất nhiều", cô nói.
Trong khi đó, mẹ cô, bà Rachael Johnson, tỏ ra rất hài lòng: "Chú robot thật hoàn hảo. Chúng tôi yêu nó".
Theo CBS, bệnh viện đã giúp tạo ra cuộc "trình diễn" đặc biệt này khi cho mượn chú robot dùng để vận chuyển bệnh nhân của họ.
"Bạn truy cập nó thông qua internet, vì vậy, thậm chí không quan trọng bạn đang ở đâu. Cynthia có thể điều khiển nó từ bệnh viện và chúng tôi có thể mang nó đến bất cứ nơi nào cô ấy cần", Stephani Maddox - người làm việc cho hệ thống trường công của quận Mobile và điều phối cuộc trình diễn trên, cho biết.
"Cô ấy đã học tập rất chăm chỉ để được tốt nghiệp nhưng lại bị bệnh tật phá hỏng mọi chuyện. Vì vậy, chúng tôi giới thiệu ý tưởng này với cô ấy. 
Chúng tôi đã mất một chút thời gian để thuyết phục cô ấy rằng mặc dù không thể có mặt ở buổi lễ ‘bằng xương bằng thịt’, nhưng cô ấy có thể có mặt ở đó từ xa. Cuối cùng, cô ấy đã đồng ý và rất vui mừng về điều đó", Maddox nói thêm.

Anh hùng Phạm Tuân 'định hướng' nghề cho học sinh mê vũ trụ

TTO - 'Rớt phi công Việt Nam nhưng đậu du hành vũ trụ ở Nga', nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã chia sẻ hóm hỉnh về hành trình vào không gian của mình tại ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM sáng 19-5.

Anh hùng Phạm Tuân định hướng nghề cho học sinh mê vũ trụ - Ảnh 1.
Anh hùng Phạm Tuân (thứ hai từ trái sang) tại buổi gặp gỡ sinh viên tại ĐHQG TP.HCM sáng 19-5 - Ảnh: TƯỜNG HÂN
"Do bản thân bị rối loạn tim nên ngày trẻ tôi không đủ tiêu chuẩn học phi công Việt Nam. Tôi học trung cấp kỹ thuật sửa chữa rađa ở Matxcơva nhưng rồi thiếu phi công chiến đấu nên phía Nga kiểm tra lại sức khoẻ và bảo tôi được chọn", anh hùng Phạm Tuân kể với 500 học sinh, sinh viên có mặt tại Ngày hội không gian 2018.
"Khi tuyển người Việt Nam vào vũ trụ, tôi cũng là lựa chọn cuối cùng lót cho đủ 4 suất. Nhưng sau nhiều vòng kiểm tra, bác sĩ Nga nhận thấy trong môi trường áp lực tăng, tim tôi hoạt động tốt hơn người bình thường", ông nhớ lại.
Cả khán phòng cười ồ và bị thu hút vào câu chuyện tập luyện gian khổ, áp lực làm việc trong môi trường vũ trụ thừa nguy hiểm thiếu an toàn của ông.
Nhà du hành Phạm Tuân cũng chia sẻ câu chuyện phía Nga thắc mắc vì sao huyết áp ông vẫn ổn định khi tàu chuẩn bị lên vũ trụ.
"Bay vũ trụ cũng nguy hiểm nhưng bay chiến đấu ở Việt Nam còn nguy hiểm hơn. Tiến vào vũ trụ chỉ cần tập luyện thành thục, tàu tốt sẽ không sao nhưng chiến đấu với không quân của kẻ thù khó khăn hơn, luôn có thể bị tấn công bất ngờ, căng thẳng hơn nhiều", ông nói.
Trước câu hỏi về khó khăn nhất của 7 ngày trong vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân kể: bỡ ngỡ ban đầu khi học bơi trong vũ trụ, máu dồn lên não, mặt phù to, ăn uống không ngon, sự cố tàu hỏng, lắp ráp về đêm và thời gian rảnh nhìn ra cửa sổ thấy nhớ gia đình, đồng đội trong khi xung quanh chỉ có im lặng và các chòm sao làm bạn.
"Ở dưới đất ta mong lên vũ trụ, lên rồi mới ước trở về mặt đất", trung tướng Phạm Tuân chia sẻ. "Cuộc sống vũ trụ khắc nghiệt, ngoài khả năng làm chủ trình độ kỹ thuật, phi công vũ trụ phải có tâm lý vững vàng mới vượt qua các tình huống bất trắc".
Đăng ký từ sớm, hơn 500 học sinh, sinh viên đã chờ đợi tại trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM để gặp gỡ anh hùng Phạm Tuân - người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Chương trình do Trung tâm vệ tinh miền Nam và ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM tổ chức, cũng là dịp định hướng nghề cho học sinh phổ thông về nhóm ngành khoa học - công nghệ vũ trụ.
Học sinh, sinh viên được giới thiệu ứng dụng công nghệ GPS, vệ tinh, tên lửa và những điều thú vị trong Hệ mặt trời. Bằng văn phong giản dị, các nhà khoa học vũ trụ - hàng không khiến học sinh, sinh viên thích thú, ngạc nhiên với những bước tiến vũ trụ của con người.
Ngày hội cũng trình diễn bay thiết bị bay không người lái (UAV) trong giám sát mặt đất, thả bóng bay phục vụ giám sát chất lượng không khí, trình diễn xe tự hành do giảng viên sinh viên chế tạo.

'Tuyệt chiêu' tỏ tình của động vật

TTO - Không chỉ con người mới biết nghĩ ra 'chiêu' chinh phục người yêu, loài vật cũng cũng rất sáng tạo trong việc tán tỉnh nhau.

Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 1.
Loài chim kỳ công thiết kế tổ ấm chinh phục bạn tình - Ảnh: BBC
Xây nhà thật đẹp "dụ" nàng
Theo trang Live Science, loài chim chim đinh viên (Ptilonorhynchidae) rất chịu khó bỏ công chinh phục bạn tình.
Vào mùa giao phối, chim trống lượm nhặt, thậm chí giành giật nhiều đồ vật bỏ rơi đủ màu sắc để trang trí nơi ở của mình để thu hút chim mái.
Khi đối tượng đến, chim trống nhảy nhót, hót mừng mời vào tổ tham quan. Tổ càng đẹp con mái sẽ càng dễ xiêu lòng hơn.
Bắn "mũi tên" tình yêu
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 2.
Trước khi "yêu" nhau, ốc sên phải phóng những "mũi tên" tình yêu cho đối tác - Ảnh: National Geographic
Trang National Geographic cho biết bộ phận sinh dục của loài ốc sên nằm ngay trên cổ, ngay phía sau cuống mắt. Bộ phận này nằm ở vị trí đặc biệt như vậy sẽ giúp chúng giao phối dễ dàng hơn thay vì để đâu đó dưới lớp vỏ nặng nề kia.
Ốc sên là loài có cả hai cơ quan sinh dục đực nhưng không thể tự thụ tinh. Do đó chúng bắn những "mũi tên" có cấu tạo từ canxi vào tử cung của bạn tình. Chất nhầy của "mũi tên" này giúp tử cung của ốc có khả năng giữ được nhiều tinh trùng, tăng chất lượng sinh sản cho cả hai.
Giả chết để được ''yêu''
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 3.
Nhện Pisaura sử dụng "tuyệt chiêu" giả chết để chinh phục bạn tình - Ảnh: Getty Images
Theo trang Live Science, nhện Pisaura (pisaura mirabilis) thường thích những chàng nhện đực mang quà đến mỗi khi tỏ tình.
Trước tiên, nhện đực mang một món quà đến "nhà" nhện cái, nếu chấp nhận, con nhện cái này sẽ cho phép giao phối.
Maria Jose Albo, nhà sinh thái học tiến hóa từ ĐH Aarhus, Đan Mạch cho biết quà có thể rất đơn giản như một mẩu cánh hoa, vài con kiến, sâu bọ được bọc trong tơ nhện, hoặc thậm chí chỉ là tơ nhện không.
Nếu nàng không chấp nhận hoặc bị chống cự, nhện đực sẽ chơi trò giả chết. Nó nằm im chờ nàng sơ sẩy liền bật dậy ôm chặt và thử giao phối lần hai. Xong xuôi nó chạy đi thật nhanh trước khi nàng nổi giận ''xử'' nó.
Kỳ công thiết kế nơi hẹn hò
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 4.
"Kỳ công" của loài cá nóc dùng chinh phục các "nàng" - Ảnh: National Geographic
Theo trang National Geographic, một loài cá nóc Nhật Bản với kích thước chỉ vài cm có khả năng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Họ phát hiện thấy các vòng tròn độc đáo này có đường kính khoảng 2m, là nơi cá đực mời gọi bạn tình vào mùa giao phối.
Trước tiên, chúng bơi dưới đáy biển theo vòng tròn vài giờ đến nửa ngày để làm nên công trình này - nơi vừa là nơi hẹn hò, vừa là nơi đẻ con của đôi cá.
Tán tỉnh bằng... tia cực tím
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 5.
Khi trong môi trường nhiều tia cực tím, loài nhện này sẽ "dễ dãi" hơn - Ảnh: Getty Images
Theo trang Science, các tia cực tím có khả năng kích thích ham muốn tình dục ở một số loài.
Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Singapore cho rằng loài nhện nhảy Cosmophasis umbratica có khả năng phát ra các tia cực tím và khi trong ánh sáng tia cực tím, chúng sẽ thấy các bộ phận của bạn tình hấp dẫn hơn.
Yêu 1 lần trong đời
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 6.
Loài chuột yêu theo phương châm "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt" - Ảnh: Wikipedia Commons
Theo Sky News, chuột Antechinus sống ở các nước châu Đại Dương là loài cực kỳ đa tình. Khi mùa kết đôi bắt đầu, con đực sẽ tìm cách ve vãn và giao phối với càng nhiều con cái càng tốt. Thậm chí chuột đực có thể "vui vẻ" với hàng loạt bạn gái trong vòng 14 giờ liền.
Điều đáng nói là mùa sinh sản đầu tiên cũng là mùa cuối cùng của chuột đực. Chuột đực có thể trưởng thành nhanh chóng sau 1 năm và chết sau khi giao phối vì kiệt sức.
Múa đuôi quyến rũ nàng
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 7.
Chiếc đuôi tuyệt đẹp của chim là vũ khí chinh phục bạn tình - Ảnh: National Geographic
Theo Live ScienceLoddigesia mirabilis là một loài thuộc họ chim ruồi với kích thước tối đa chỉ 15cm. Bộ lông chim nhiều sắc màu và đặc biệt nhất là cặp lông đuôi dài tuyệt đẹp.
Đến mùa giao phối, chim đực biểu diễn những bài múa đuôi tuyệt đẹp để thu hút con cái. Nếu đồng ý, con cái sẽ đến bên phụ họa và bắt đầu mối quan hệ.
Chọn bạn tình bằng... thử nước tiểu
Tuyệt chiêu tỏ tình của động vật - Ảnh 8.
Lạ lùng kiểu chọn "vợ" của hươu cao cổ - Ảnh: Getty Images
Hươu cao cổ không có mùa giao phối vì không có kỳ động dục mà lại có chu kỳ kinh nguyệt gần giống như con người. Do đó, con đực thường phải tìm bạn tình đang có khả năng thụ thai để ve vãn.
Cách tìm bạn tình của nó do đó rất đặc biệt: thử nước tiểu. Theo trang Popular Science, con đực có thể cảm nhận hormone trong nước tiểu con cái và biết nó có đang trong những ngày thụ thai hay không.
Nếu đúng, con đực sẽ đi theo con cái cố gắng thuyết phục con cái bằng cách liếm chân nó. Khi xiêu lòng, con cái sẽ đứng yên cho đối phương "hành sự", nhưng chỉ trong tích tắc rồi lảng đi chỗ khác.